Đề xuất chính sách thực hiện tốt công cụ thuế quan trong Hiệp định EVFTA

Xét về tổng thể, EVFTA đem lại tác động tích cực cho các ngành xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu tăng nhờ vào tính cạnh tranh cao hơn về giá xuất khẩu khi cắt giảm thuế quan, nhưng lại đem lại tác động tiêu cực đối với một số ngành nhập khẩu.

Điều này thể hiện tổng phúc lợi kinh tế của những ngành này giảm đi vì thặng dư tiêu dùng không đủ bù đắp cho thiệt hại sản xuất và sự sụt giảm nguồn thu ngân sách chính phủ từ thuế quan đối với những ngành này.

Mặc dù vậy, phần lớn các sản phẩm nhập khẩu tăng thêm của Việt Nam đều là những sản phẩm trung gian phục vụ cho sản xuất trong nước (máy móc thiết bị, nguyên liệu dược phẩm,…), việc gia tăng lượng nhập khẩu các sản phẩm đầu vào sản xuất từ EU nhờ vào EVFTA cũng có thể là một tín hiệu tốt, tích cực cho các ngành sản xuất trong nước.

Từ kết quả nghiên cứu trên có thể đề xuất một số chính sách cho các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp như sau:

* Về phía Nhà nước

Thứ nhất, đa dạng hoá các sản phẩm xuất khẩu: Các sản phẩm vốn có lợi thế so sánh cao như: ngành giày dép và may mặc, các ngành gia công lắp ráp từ các thiết bị linh kiện, ngành thuỷ sản,… đều là các ngành thâm dụng lao động, lợi thế so sánh phần nhiều đến từ lợi thế nhân công giá rẻ. Theo thời gian và xu hướng phát triển của nền kinh tế toàn cầu, lợi thế nhân công giá rẻ không thể kéo dài, vì thế làm giảm đi tính cạnh tranh của những ngành này. Nhà nước nên có chính sách đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu khác hướng đến các ngành thâm dụng công nghệ nhiều hơn nhằm gia tăng lợi thế so sánh dựa vào công nghệ để gia tăng năng suất, bù đắp cho sự giảm dần về lợi thế dựa vào nhân công giá rẻ của Việt Nam hiện nay.

Thứ hai, duy trì vị trí ưu tiên và mũi nhọn đối với các ngành xuất khẩu chính: Kết quả cho thấy những ngành xuất khẩu được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế như: Giày dép (HS 64), quần áo (HS 62-63), thủy sản (HS 03). Bên cạnh việc đa dạng hóa các ngành thâm dụng công nghệ như đề cập trên, Nhà nước nên duy trì vị trí ưu tiên đối với các ngành này với các biện pháp hỗ trợ tăng cường sử dụng công nghệ thông qua tăng cường hỗ trợ vay vốn với mức lãi suất hợp lý. Thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm mục đích chuyển giao công nghệ trong ngành, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực sản xuất nguồn nguyên liệu nội địa. Một mặt đáp ứng nhu cầu đầu vào cho sản xuất trong nước, mặt khác đáp ứng điều kiện xuất xứ để được hưởng thuế quan ưu đãi từ Hiệp định.

Thứ ba, hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành nhập khẩu non trẻ: Kết quả mô hình GSIM cho thấy về khía cạnh nhập khẩu, việc cắt giảm thuế quan một mặt gia tăng nhập khẩu đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, nhưng mặt khác sẽ tạo nguy cơ cạnh tranh khốc liệt trong thị trường nội địa và sẽ gây bất lợi cho các nhà sản xuất nội địa non trẻ, nhất là đối với cơ khí (HS 87) là ngành được Nhà nước chọn làm ngành ưu tiên phát triển (theo Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 của Bộ Công Thương). Để giảm bớt thiệt hại cho các nhà sản xuất để ngành này phát triển cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nướcnhư: hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp khi cần thiết,…

Thứ tư, tăng cường quảng bá thông tin về Hiệp định cho các doanh nghiệp: Việc hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu giúp họ chuẩn bị tốt nhất để sẵn sàng đón cơ hội và thách thức hội nhập lớn từ Hiệp định là rất quan trọng. Để chuẩn bị tốt khi Hiệp định thương mại được thực thi, doanh nghiệp cần tìm hiểu, tập hợp thông tin về các xu hướng cũng như các cam kết trong Hiệp định có liên quan tới hoạt động xuất khẩu như: thuế suất theo lộ trình, các điều kiện kèm theo thuế suất ưu đãi và các hàng rào kỹ thuật khác.

* Về phía doanh nghiệp

Thứ nhất, hiểu rõ nội dung Hiệp định: Nhằm tận dụng tốt những lợi ích đạt được từ hiệp định, các doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý nắm bắt kỹ nội dung Hiệp định liên quan đến ngành của mình để có thể tận dụng được các lợi thế thị trường từ việc cắt giảm thuế quan. Bởi các ưu đãi thuế quan thường đi kèm với các điều kiện khác, chẳng hạn các rào cản phi thuế quan như qui tắc xuất xứ, các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm,…Thứ hai, nâng cao chiến lược cạnh tranh theo hướng thâm dụng công nghệ: Các doanh nghiệp nhập khẩu cần lưu ý chuẩn bị tốt và có chính sách chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh theo hướng công nghệ hoá để có thể cạnh tranh được với sự gia tăng hàng nhập khẩu khi thuế nhập khẩu được cắt giảm theo Hiệp định.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *