Trong lịch sử sự hình thành, phát triển của môn kinh tế chính trị có những nhận thức khác nhau về đối tượng nghiên cứu. Chủ nghĩa trọng thương xác định đối tượng nghiên cứu của kinh tế chính trị là lĩnh vực lưu thông mà chủ yếu là ngoại thương. Khắc phục những sai lầm của chủ nghĩa trọng thương, chủ nghĩa trọng nông cho rằng đối tượng nghiên cứu của kinh tế chính trị không phải là lĩnh vực lưu thông mà là nghiên cứu lĩnh vực sản xuất, song họ chỉ giới hạn ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, bởi cho rằng chỉ có sản xuất nông nghiệp mới làm tăng thêm của cải cho xã hội.
A.Smith nhà kinh tế chính trị tư sản nổi tiếng cho rằng đối tượng của kinh tế chính trị là thực tiễn khách quan của nền kinh tế, tìm ra các quy luật phát triển của nó, vạch ra các giải pháp cụ thể về chính sách kinh tế cho nhà nước và doanh nghiệp. Còn D.Ricácđô lại cho rằng đối tượng nghiên cứu của kinh tế chính trị là nghiên cứu các quy luật phân phối sản phẩm của đất đai, tức nghiên cứu quy luật phân phối sản phẩm của ba giai cấp cơ bản trong xã hội tư bản chủ nghĩa là giai cấp tư sản, giai cấp công nhân, và giai cấp địa chủ.
Với mưu toan tách kinh tế chính trị khỏi chính trị, biến kinh tế chính trị thành khoa học kinh tế thuần tuý, che đậy quan hệ sản xuất và mâu thuẫn giai cấp, kinh tế học tư sản hiện đại xác định đối tượng nghiên cứu của kinh tế học là tìm cách lý giải và trả lời ba câu hỏi: Sản xuất cái gì ? sản xuất như thế nào? sản xuất cho ai?
Trên quan điểm duy vật lịch sử, C.Mác cho rằng sản xuất vật chất là cơ sở của đời sống xã hội. Bất cứ nền sản xuất nào cũng là sự tác động lẫn nhau giữa ba yếu tố cơ bản: Lao động của con người, tư liệu lao động và đối tượng lao động. Ba yếu tố đó chính là lực lượng sản xuất xã hội thể hiện mối quan hệ giữa con người với tự nhiên trong quá trình sản xuất. Ông còn tiên đoán cùng với đà phát triển của sản xuất, của xã hội, khoa học kỹ thuật ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Ông còn cho rằng trong quá trình sáng tạo ra của cải vật chất con người không chỉ có quan hệ với tự nhiên mà còn có quan hệ với nhau quan hệ xã hội, đó là tổng hợp các mối quan hệ kinh tế – xã hội giữa con người với nhau trong quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng của cải xã hội. Quan hệ đó gọi là quan hệ sản xuất. Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất kết hợp chặt chẽ và tác động qua lại với nhau hợp thành phương thức sản xuất. Trong đó lực lượng sản xuất là nội dung, còn quan hệ sản xuất là hình thức biểu hiện của nội dung đó. Các quan hệ sản xuất với tư các là cơ sở hạ tầng xã hội đến lượt nó lại gắn bó chặt chẽ với kiến trúc thượng tầng chính trị trong những giai đoạn lịch sử nhất định, hợp thành hình thái kinh tế – xã hội. Lịch sử xã hội loài người là lịch sử phát triển và thay thế lẫn nhau của các hình thái kinh tế – xã hội. Sự thay thế đó được C.Mác coi là một quá trình lịch sử tự nhiên. C. Mác khẳng định việc xác định đối tượng nghiên cứu của kinh tế chính trị phải dựa trên những quan điểm chung đó.
Trong tác phẩm “Góp phần phê phán kinh tế chính trị” C.Mác cho rằng đối tượng nghiên cứu của kinh tế chính trị trước hết là nền sản xuất vật chất, nhưng kinh tế chính trị không phải là kỹ thuật học, cũng không nghiên cứu sản xuất của cá nhân riêng lẻ, tách biệt khỏi xã hội kiểu Rô Bin Sơn mà là nền sản xuất có tính chất xã hội. Trong bộ “Tư bản”, C.Mác khẳng định đối tượng nghiên cứu của ông là phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và những quan hệ sản xuất và trao đổi thích ứng với phương thức sản xuất ấy và mục đích cuối cùng là tìm ra các quy luật vận động kinh tế của xã hội hiện đại (đối tượng nghiên cứu theo nghĩa hẹp).
Ph.Ăngghen cho rằng: “Kinh tế chính trị theo nghĩa rộng nhất là khoa học về những quy luật chi phối sự sản xuất và trao đổi những tư liệu sinh hoạt vật chất trong xã hội loài người… Những điều kiện trong đó người ta sản xuất sản phẩm và trao đổi chúng đều thay đổi trong từng nước và trong mỗi nước lại thay đổi trong từng thế hệ. Bởi vậy, không thể có cùng một môn kinh tế chính trị duy nhất cho tất cả mọi nước và tất cả mọi thời đại lịch sử… Môn kinh tế chính trị thực chất là môn khoa học có tính chất lịch sử… Nó nghiên cứu trước hết là những quy luật đặc thù của từng giai đoạn phát triển của sản xuất và của trao đổi, và chỉ khi nghiên cứu như thế xong xuôi rồi nó mới có thể xác định ra một vài quy luật hoàn toàn có tính chất chung, thích dụng, nói chung, cho sản xuất và trao đổi”[1] V.I.Lênin cũng khẳng định; Kinh tế chính trị “Tuyệt nhiên không nghiên cứu sự sản xuất mà nghiên cứu những quan hệ xã hội giữa người với người trong sản xuất, nghiên cứu chế độ xã hội của sản xuất”[2].
Từ những luận điểm trên của các nhà kinh điển, đối tượng nghiên cứu của kinh tế chính trị (theo nghĩa rộng) là nghiên cứu các quan hệ sản xuất xã hội trong mối quan hệ biện chứng với lực lượng sản xuất và kiến trúc thượng tầng, vạch ra bản chất của các hiện tượng và quá trình kinh tế nhằm rút ra các quy luật kinh tế chi phối sự vận động và phát triển của các phương thức sản xuất.
Đối tượng nhiên cứu của kinh tế chính trị là nghiên cứu các quan hệ sản xuất, nhưng những quan hệ sản xuất đó phải gắn với trình độ và tính chất của lực lượng sản xuất nhất định. Do vậy, việc nghiên cứu lực lượng sản xuất của kinh tế chính trị là nhằm phục vụ cho nghiên cứu quan hệ sản xuất, để hiểu đúng hơn sự vận động của quan hệ sản xuất, chứ tuyệt nhiên không nghiên cứu nội dung vật chất của lực lượng sản xuất, đó là nhiệm vụ của các khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật.
Kinh tế chính trị nghiên cứu quan hệ sản xuất trong mối quan hệ toàn vẹn và tổng thể của cả ba mặt: quan hệ sở hữu, quan hệ tổ chức quản lý, quan hệ phân phối và bốn khâu: sản xuất – phân phối – trao đổi – tiêu dùng. Trước đây chúng ta thường nhấn mạnh mặt quan hệ sở hữu và khâu sản xuất, mà ít chú ý đến các mặt và các khâu khác của quan hệ sản xuất. Đó là nhận thức sai lầm cần phải tránh.
Kinh tế chính trị nghiên cứu quan hệ sản xuất chính là nghiên cứu cơ sở hạ tầng xã hội, mà cơ sở hạ tầng lại có quan hệ biện chứng với kiến trúc thượng tầng. Do vậy, kinh tế chính trị nghiên cứu quan hệ sản xuất trong mối liên hệ với kiến trúc thượng tầng, đặc biệt là những quan hệ chính trị, pháp lý có vai trò tác động quan trọng trở lại đối với quan hệ sản xuất và đối với sự phát triển kinh tế.
Kinh tế chính trị nghiên cứu quan hệ sản xuất nhưng không phải là mô tả các biểu hiện bề ngoài, mà là nghiên cứu các mối quan hệ bền vững bên trong của các hiện tượng và quá trình kinh tế để vạch ra bản chất, qui luật kinh tế chi phối sự vận động của nền sản xuất xã hội.
[1] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 20, NXb CTQG, Hà Nội, 1994, tr. 207 – 208.
[2] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 3, NXb Tiến bộ Matxcơva, 1976, tr.58.