Lao động sản xuất ra của cải vật chất là hoạt động có mục đích, có ý thức của con người. Đó là quá trình con người sử dụng công cụ lao động tác động vào giới tự nhiên, cải biến giới tự nhiên nhằm tạo ra các sản phẩm để thoả mãn nhu cầu của mình. Lao động sản xuất ra của cải vật chất là điều kiện đầu tiên và cơ bản nhất để con người, xã hội loài người tồn tại và phát triển.
Lao động sản xuất ra của cải vật chất là loại hình hoạt động thực tiễn cơ bản nhất của con người và xã hội loài người. Lao động sản xuất vật chất, một mặt tạo ra các sản phẩm để thoả mãn những nhu cầu của con người; mặt khác, chính quá trình sản xuất vật chất làm cho nhu cầu của con người tăng lên, nó tạo thêm những động lực mới thúc đẩy sản xuất vật chất không ngừng phát triển.
Lao động sản xuất vật chất của con người được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục. Sự lặp đi lặp lại và đổi mới không ngừng của quá trình sản xuất chính là quá trình tái sản xuất. Mọi quá trình sản xuất (đồng thời cũng là quá trình tái sản xuất) đều là sự kết hợp giữa 3 yếu tố: sức lao động, đối tượng lao động và tư liệu lao động.
– Sức lao động: Là toàn bộ những năng lực thể chất và tinh thần tồn tại trong một con người đang sống và được người đó đem ra sử dụng mỗi khi sản xuất ra một sản phẩm nào đó.
– Đối tượng lao động: Là tất cả nhưng gì mà lao động của con người hướng tới và tác động vào nhằm biến đổi nó cho phù hợp với nhu cầu của con người.
– Tư liệu lao động: Là một vật hay một tổ hợp vật có khả năng truyền dẫn sức lao động của con người đến đối tượng lao động để biến các đối tượng đó thành sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của con người. Tư liệu lao động bao gồm công cụ lao động và cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội… Sự phát triển của hệ thống các công cụ lao động là một trong những tiêu chí để phân biệt các thời đại kinh tế khác nhau.
Lao động sản xuất ra của cải vật chất luôn mang tính mục đích, tính liên tục và tính xã hội. Tổng thể các hoạt động sản xuất vật chất có quan hệ biện chứng với nhau, phụ thuộc lẫn nhau… hợp thành nền sản xuất xã hội.
Nền sản xuất xã hội bao giờ cũng tồn tại và phát triển trong những điều kiện lịch sử nhất định. Tiêu chí để phân biệt sự khác nhau giữa các nền sản xuất xã hội là phương thức sản xuất. Phương thức sản xuất bao giờ cũng là sự thống nhất biện chứng giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất tương ứng.